Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội (TVPBGĐXH) là hoạt động được tiến hành bởi chủ thể là con người (cá nhân hoặc tổ chức, nhóm người) theo những nội dung và phương pháp nào đó tùy thuộc vào tình huống, hoàn cảnh cụ thể nhằm chỉ ra được những vấn đề then chốt cần phải làm như đã được định nghĩa trong từ điển nêu ở trên.
Mục đích của hoạt động TVPBGĐXH nhằm có được những luận cứ khoa học khách quan, chính xác đánh giá mặt được và chưa được của các chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch, nhiệm vụ, dự án.. (gọi chung là đường lối, chủ trương, chính sách) cụ thể của Đảng và Nhà nước, của các cơ quan Bộ, Ngành, đưa ra được các kiến nghị cụ thể cần thay đổi, điều chỉnh hoặc thậm chí hủy bỏ các đường lối, chủ trương, chính sách này vì lợi ích của quốc gia, đất nước.
Vì lợi ích của cuộc sống cộng đồng, vì phát triển con người, phát triển xã hội mà các hoạt động TVPBGĐXH có một ý nghĩa vô cùng to lớn liên quan đến tiến trình phát triển, sự tồn vong của mỗi con người và của cả xã hội. Một chủ trương nào đó được đề xuất, một định hướng nào đó được đưa ra nếu là đúng, hợp quy luật phát triển sẽ làm cho con người đó phát triển vô cùng thuận lợi, xã hội đó dường như được tăng thêm sức mạnh, được chắp cánh bay bổng, còn ngược lại, một quyết sách sai lầm nhưng lại không được phát hiện kịp thời, không kịp để được điều chỉnh, ngăn cản có thể sẽ làm đổ vỡ cả một hệ thống, kéo lùi lịch sử phát triển của cả một xã hội, một đất nước.
Rõ ràng nhận thấy rằng hoạt động TVPBGĐXH có một ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn. Hoạt động này cần phải được cả xã hội chăm lo, phát triển thường xuyên. Hoạt động này cần phải được các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ xem là trách nhiệm xã hội tối thượng của mình vì sự tồn vong của chính bản thân mình và của đất nước.
Cần nhận rõ tính chất của hoạt động TVPBGĐXH, đó là tính ý nghĩa xã hội rộng lớn. Người, tổ chức thực hiện hoạt động này phải có tầm nhìn của cả xã hội, vì lợi ích của quốc gia, xã tắc; tính độc lập khách quan. Độc lập khách quan được hiểu là độc lập khách quan của cá nhân các nhà khoa học và của các tổ chức hoạt động khoa học. Càng tăng cường tính độc lập khách quan trong hoạt động TVPBGĐXH thì càng tăng cường được tính hiệu quả, chân xác của các nhận xét, đánh giá cũng như các đề xuất được nêu ra. Ở đây, rất cần các tư vấn, phản biện, đánh giá của cá nhân các nhà khoa học, đặc biệt là các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành.
Với các công trình, chủ trương, đường lối, chính sách lớn, rất cần có các đánh giá, tư vấn độc lập, riêng rẽ của các nhà khoa học; tính minh bạch. Minh bạch đòi hỏi các TVPBGĐXH nêu ra cần rõ ràng, tường minh giúp cho Đảng, Nhà nước, các tổ chức Bộ, Ngành nơi đề xuất ra các đường lối, chủ trương, chính sách dễ chấp nhận tiếp thu, chấn chỉnh, sửa đổi các nội dung đề xuất của mình; Tính luận cứ khoa học. Tính chất này của hoạt động TVPBGĐXH đòi hỏi các nhận xét, đánh giá, phản bác phải có đầy đủ bằng chứng khoa học thuyết phục; Tính đấu tranh. Tính đấu tranh đòi hỏi người, tổ chức thực hiện không được khoan nhượng, phải thẳng thắn đấu tranh về quan điểm vì lợi ích của dân tộc, đất nước. Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì đã là chân lý khoa học, tiêu chuẩn khoa học thì không được nhân nhượng. Người, tổ chức thực hiện nhiệm vụ TVPBGĐXH không được dĩ hòa vi quý, nể nang nhau, vô tình mang lại tổn hại cho đất nước. Vì lợi ích ngàn năm của đất nước, có những lúc các nhà khoa học phải lớn tiếng lên án, phê phán các quan điểm học thuật, các luận điểm, quy trình công nghệ sai trái, có thể phải tốn nhiều công sức, tốn nhiều chi phí tự mình bỏ ra hoặc Hội phải tự bỏ ra, không có chi trả kinh phí từ phía nhà nước nhưng vì lợi ích của dân tộc, của đất nước vẫn phải cương quyết, lớn tiếng đấu tranh, không được khoan nhượng. Tính đấu tranh không khoan nhượng chính là minh chứng cho bản lĩnh của nhà khoa học.
Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động TVPBGĐXH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các nhà khoa học, các Hội khoa học chuyên ngành cần quan tâm chỉ đạo và thực hành tốt công việc này. Lãnh đạo các Hội ngành, các nhà khoa học cần chủ động tích cực, không lảng tránh, tham gia có hiệu quả nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Cần có một kế hoạch chủ động theo dõi, nắm bắt các vấn đề khoa học nảy sinh liên quan đến chuyên ngành khoa học mà Hội mình có trách nhiệm trước xã hội. Khi có các nội dung phát sinh, chủ động phân công các nhà khoa học theo dõi, chỉ đạo giải quyết.
Từ vị trí tầm quan trọng của hoạt động TVPBGĐXH, nên chăng các Hội cần nắm chắc trong tay mình các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực thuộc ngành nghề Hội mình quan tâm giải quyết. Bởi vậy, các Hội nên tổ chức xây dựng ngân hàng chuyên gia của Hội mình và có kế hoạch chủ động sử dụng khi điều kiện nảy sinh.
Đã đến lúc, nên thành lập Câu lạc bộ của các trí thức với tên gọi chung: “Câu lạc bộ trí thức Hội…” nhằm giúp Đảng và Nhà nước nhanh chóng nắm bắt ý kiến của các trí thức, giúp ích tốt cho việc định hướng các vấn đề đặt ra để tổ chức tư vấn, phản biện một cách kịp thời, chính xác. Việc tổ chức Câu lạc bộ (CLB) này không cần quá chặt chẽ. Việc tham gia hoàn toàn mang tính tự nguyện, ai thích thì tham gia. Nhưng quan trọng là cần vận động, tập hợp được các nhà trí thức đầu ngành, người giỏi, kể cả họ là người đang làm việc và cả người đã nghỉ hưu. Người phụ trách phải do chính CLB tự suy tôn, đề xuất. Quan trọng là CLB cần duy trì sinh hoạt mang tính trí tuệ thường xuyên với những nội dung phong phú, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm ngành nghề, trong đó có gắn vào trách nhiệm của các trí thức đóng góp nhiều ý kiến cho xây dựng phát triển đất nước. Nếu biết làm tốt thì các trí thức cũng hiểu Đảng và Nhà nước đang cần đến họ và do thế họ sẵn sàng ủng hộ, tham gia nhiệt tình./.
- Trí thức khoa học và tiếng nói phản biện (06/04/2022)
- Ông Phan Xuân Dũng làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (25/12/2020)
- Đại hội Hội Nhà báo tỉnh lần thứ VI (23/06/2020)
- Tăng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi (23/06/2020)
- Khai báo y tế trách nhiệm của mỗi công dân (13/03/2020)
- Góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (06/03/2020)
- Phát triển bền vững phải dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường (24/02/2020)
- Hội thảo góp ý Hướng dẫn lồng ghép vào mục tiêu phát triển bền vững (18/11/2019)