hotline
Việt Nam ngày mới
Thống kê lượt truy cập
Tổng số lượng truy cập:
597751
Số người online:
43
Website liên kết
Công nghệ mới
Những điều cần biết về vi rút 2019-nCoV
17/02/2020
Tên Coronavirus có nguồn gốc từ tiếng Latin “corona”, có nghĩa là vương miện, vì hình dạng của vi rút này khi soi dưới kính hiển vi điện tử giống như vương miện hoàng gia hoặc vành nhật hoa [1].

Đây là chủng vi rút gây dịch viêm đường hô hấp cấp mới được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới với số người nhiễm được khẳng định bằng xét nghiệm lên đến 37.558 trường hợp, trong đó có 813 ca tử vong ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ (số liệu của Tổ chức Y tế thế giới - WHO cập nhật đến ngày 9/2/2020).

 

2019-nCoV (novel coronavirus) hay còn gọi là Coronavirus

Tên Coronavirus có nguồn gốc từ tiếng Latin “corona”, có nghĩa là vương miện, vì hình dạng của vi rút này khi soi dưới kính hiển vi điện tử giống như vương miện hoàng gia hoặc vành nhật hoa [1]. Đây là chủng vi rút gây dịch viêm đường hô hấp cấp mới được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới với số người nhiễm được khẳng định bằng xét nghiệm lên đến 37.558 trường hợp, trong đó có 813 ca tử vong ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ (số liệu của Tổ chức Y tế thế giới - WHO cập nhật đến ngày 9/2/2020).

Trước khi các nhà khoa học phát hiện 2019-nCoV, đã có 6 chủng Coronavirus khác được biết có khả năng lây nhiễm ở người, trong đó 4 chủng (HCoV-NL63, HCoV-229E, HCoV-OC43 và HCoV-HKU1) lưu hành phổ biến và gây bệnh cảm thông thường ở người. Hai chủng cực kỳ nguy hiểm được phát hiện trong thời gian gần đây chính là MERS-CoV (gây dịch năm 2012-2015 với tỷ lệ tử vong 35%) và SARS-CoV (gây dịch SARS năm 2002-2003 với tỷ lệ tử vong 8%). 2019-nCoV là thành viên thứ 7 được phát hiện gây bệnh trên người [2].

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, 2019-nCoV có trình tự gen tương đồng với chủng SARS-CoV tới 80% và có chung receptor là ACE2 (có chủ yếu ở đường hô hấp) như SARS-CoV giúp vi rút gắn và xâm nhập vào tế bào đường hô hấp để gây bệnh. Vì vậy, có thể nói nó cũng tiềm ẩn khả năng gây bệnh nguy hiểm như SARS-CoV mặc dù tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV ở Trung Quốc ước tính 2-3%, theo báo cáo của WHO [3, 4].

Sức đề kháng của 2019-nCoV

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu chính thức nào công bố về sức đề kháng và sự sống của chủng 2019-nCoV ở các điều kiện môi trường khác nhau. Tuy nhiên, do 2019-nCoV cùng họ với “hai người anh” trước đây là SARS-CoV và MERS-CoV nên có thể nó có sức đề kháng tương tự. Kết quả nghiên cứu đối với SARS-CoV cho thấy, vi rút có thể tồn tại được 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ phòng từ 22-25oC và độ ẩm tương đối 40-50%; 3 tuần ở điều kiện 4oC. Trong mẫu phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng, vi rút này vẫn tồn tại được ít nhất 1-2 ngày. Còn trong mẫu phân của bệnh nhân nhiễm SARS-CoV thì tồn tại lâu hơn - tới 4 ngày [5]. Trong khi đó, MERS-CoV có thể tồn tại được 2 ngày ở điều kiện nhiệt độ 20oC và độ ẩm tương đối 40% [6]. Một nghiên cứu ở Hàn Quốc trong vụ dịch MERS-CoV cho thấy, có thể tìm thấy vi rút cả ở các thiết bị y tế như nhiệt kế, máy X quang, cây treo dịch truyền, giường bệnh… Đặc biệt, vi rút có thể tồn tại ở bệnh nhân nhiễm bệnh đến 4 tuần [7].

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng SARS-CoV rất nhạy cảm với tia cực tím ở bước sóng 254 nm, bị bất hoạt ở nhiệt độ 56oC trong vòng 15 phút, bị diệt nhanh ở nhiệt độ 65oC hoặc cao hơn, trong các dung môi có pH kiềm (>12) và pH a xít (<3). Một điều đáng chú ý là, các hóa chất khử trùng thông thường như formalin, glutaraldehyde, cồn, aceton, clorox… phải mất ít nhất 5 phút mới bất hoạt được vi rút [5].

Đường lây truyền của 2019-nCoV

Các bằng chứng cho thấy, 2019-nCoV có thể lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp. Trên thực tế, vi rút có thể "bắn" ra từ người mang mầm bệnh (thông qua ho, hắt hơi). Hãy thử tưởng tượng rằng một cú hắt hơi có thể tạo ra tới 40.000 giọt bắn nhỏ li ti (droplets) có kích thước từ 0,5 đến 5 µm, các hạt này tuân theo chuyển động Brown bay lơ lửng trong không khí và có thể tồn tại trong không khí tới 45 phút. Trong khi đó, các coronavirus có kích thước từ 100-160 nm còn nhỏ hơn cả giọt bắn ra khi ho, hắt hơi [8]. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hệ số lây nhiễm Ro của 2019-nCoV từ 2,24 đến 3,58, trong khi đó của SARS-CoV là 2-5, và MERS-CoV là 2,7-3,9 [4].

Xét nghiệm phát hiện 2019-nCoV

Hiện nay, kỹ thuật realtime RT-PCR được sử dụng chủ yếu để xét nghiệm phát hiện nhiễm 2019-nCoV. Ngày 17/1/2020, WHO đã phối hợp với Viện Vi rút học, Đại học Berlin Charite công bố quy trình xét nghiệm 2019-nCoV bằng kỹ thuật realtime PCR [9]. Ngoài ra, có thể sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) để xét nghiệm 2019-nCoV, tuy nhiên kỹ thuật này cho kết quả muộn và đòi hỏi chuyên gia phân tích kết quả. Việc nuôi cấy nCoV hoặc các phân tích xét nghiệm trên vi rút sống phải được thực hiện trong phòng an toàn sinh học cấp III (BSL-3).   

Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương của Việt Nam công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công virút 2019-nCoV, tạo tiền đề cho việc xét nghiệm nhanh và nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng chống chủng vi rút nguy hiểm này. Bên cạnh đó, Học viện Quân y cũng đang chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCov), thời gian thực hiện trong vòng 18 tháng, bắt đầu từ tháng 2/2020. Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những kết quả khả quan trong công cuộc nghiên cứu, phòng chống 2019-nCov.

Phòng nhiễm 2019-nCoV

- Sử dụng khẩu trang đúng cách, hạn chế nói chuyện ở chỗ đông người để tránh hít phải 1 trong số 40.000 giọt bắn li ti lơ lửng trong không khí khi tiếp xúc với mầm bệnh.

-  Rửa tay, vệ sinh bằng các dung dịch diệt khuẩn đủ thời gian.

-  Không có việc gì thì ở nhà, không nên đến chỗ đông người, bệnh viện…

-  Nên lựa chọn ở những chỗ có nắng, gió, vì 2019-nCoV nhạy cảm với tia cực tím.

-  Bình tĩnh, lạc quan và chủ động phòng bệnh, không hoang mang, tránh lãng phí.

-  Nếu rỗi nên đọc cuốn “Tâm lý học đám đông” của bác sĩ Gustave Le Bon viết cách đây hơn 100 năm có thể thấy hình ảnh mình đâu đó [10].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]    S.W. Li, C.W. Lin (2013), "Human coronaviruses: clinical features and phylogenetic analysis", BioMedicine3(1), pp.43-50.

[2]    X. Li, W. Wang, X. Zhao, J. Zai, Q. Zhao, Y. Li, et al. (2020), "Transmission dynamics and evolutionary history of 2019-nCoV", J. Med. Virol., Doi: 10.1002/jmv.25701.

[3]     R. Lu, X. Zhao, J. Li, P. Niu, B. Yang, H. Wu, et al. (2020), "Genomic characterisation and epidemiology of 2019 novel coronavirus: implications for virus origins and receptor binding", Lancet, Doi: 10.1016/S0140-6736(20)30251-8.

[4]    S. Zhao, Q. Lin, J. Ran, S.S. Musa, G. Yang, W. Wang, et al. (2020), "Preliminary estimation of the basic reproduction number of novel coronavirus (2019-nCoV) in China, from 2019 to 2020: a data-driven analysis in the early phase of the outbreak", Int. J. Infect. Dis., Doi: 10.1016/j.ijid.2020.01.050.

[5]    Inactivation of the Coronavirus that induces severe acute respiratory syndrome, SARS-CoV - PubMed [Internet], [cited 2020 Feb 3], available from: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15350737-inactivation-of-the-coronavirus-that-induces-severe-acute-respiratory-syndrome-sars-cov/?from_term=Inactivation+of+the+coronavirus+that+induces+severe+acute+respiratory+syndrome%2C+SARS-CoV.

[6]    Van N. Doremalen, T. Bushmaker, V.J. Munster (2013), "Stability of Middle East respiratory syndrome coronavirus (MERS-CoV) under different environmental conditions", Euro Surveill.Bull18(38),  pii: 20590, Doi: 10.2807/1560-7917.es2013.18.38.20590.

[7]    S.Y. Bin, J.Y. Heo, M.S. Song, J. Lee, E.H. Kim, S.J. Park, et al. (2016), "Environmental contamination and viral shedding in MERS patients during MERS-CoV outbreak in South Korea", Clin. Infect. Dis.62(6), pp.755-760.

[8]    Y. Chen, Q. Liu, D. Guo (2020), "Emerging coronaviruses: genome structure, replication, and pathogenesis", J. Med. Virol., Doi: 10.1002/jmv.25681.  

[9] Laboratory testing for 2019 novel coronavirus (2019-nCoV) in suspected human cases [Internet]. [cited 2020 Feb 9]. Available from: https://www.who.int/publications-detail/laboratory-testing-for-2019-novel-coronavirus-in-suspected-human-cases-20200117.

[10] Tâm lý học đám đông | Tủ sách Tinh hoa [Internet], [cited 2020 Feb 7], available from: http://www.nxbtrithuc.com.vn/Danh-muc-tu-sach/2654744/314/Tam-li-hoc-dam-dong.html.